ƯỚC MƠ “ LÀM CÔ GIÁO” CỦA MỘT CÔ BÉ MANG NHIỀU DỊ TẬT BẨM SINH

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tôi nhận lớp vào tháng cuối cùng của năm học vì cô giáo của lớp nghỉ sinh. Buổi đầu tiên vào lớp, cả lớp đứng dậy chào cô theo sự điều khiển của bạn lớp trưởng. Nhưng sao có một cô bé ngồi bàn đầu lại không đứng dậy. Trong đầu tôi thoáng nghĩ nhưng chưa vội trách em. Tôi dành hai tiết đầu để kiểm tra việc đọc và viết của cả lớp. Khi tôi gọi đến tên em, rất nhanh nhẹn, em cầm sách lên bảng đọc bài. Thật bất ngờ, một giọng đọc âm vang, lưu loát,  trong trẻo cất lên từ cái miệng xinh xinh của em, làm cho tôi chú ý đến em hơn. Tôi chợt phát hiện ra em quá nhỏ nhắn so với lứa tuổi. Cái lưng khòm khòm không cân đối, cái vai gù và cái cổ rụt xuống làm cho em vốn đã nhỏ bé  lại càng lọt thỏm giữa đám bạn cùng trang lứa.. Cánh tay cong và một bàn tay có sáu ngón cầm cuốn sách có vẻ khó khăn hơn các bạn. Em đọc bài đã xong nhưng tôi vẫn còn ngẫn ngơ nhìn em. Mắt tôi như có màn sương mỏng che phủ … Tôi rời chỗ của mình tới bàn của em. Cầm cuốn vở trên tay, tôi không khỏi ngạc nhiên. Vở của em đây ư? Ôi sao đẹp thế, nét chữ ngay ngắn đều đặn hiện lên trước mắt. Trong suốt hai mươi mấy năm làm cô giáo, đây có lẽ là cô học trò duy nhất chinh phục tôi hoàn toàn từ buổi học đầu tiên. Tôi ngắm nhìn em vừa cảm động vừa nể phục.

Tôi thường xuyên trò chuyện, hỏi han em về mọi việc. Em cũng mạnh dạn, líu lo như một chú chim sơn ca kể chuyện cho tôi nghe. Nhiều khi em nắm lấy tay tôi lắc lắc. Em bảo tôi giống mẹ của em. Mẹ rất thương em, nhiều đêm thức giấc thấy mẹ ôm em thút thít khóc. Em không biết làm gì, chỉ đưa đôi tay bé nhỏ của mình ôm lấy mẹ. Thương mẹ em càng cố gắng học tập tốt hơn. Em tiếp thu bài nhanh lắm và học đều các môn, lại rất hay phát biểu ý kiến xây dựng bài. Hôm gặp mẹ em, tôi mới hiểu thêm về em hơn. Từ khi mới sinh em đã phải chịu đựng bao bất hạnh. Cơ thể bé nhỏ của em không có hậu môn nên phải đại tiện qua ống dẫn. Số đốt xương sống nhiều hơn xương sống của một người bình thường. Ngón tay cái của bàn tay phải bị chẻ ra làm đôi thành hai ngón. Gia đình lại nghèo, mẹ em ốm đau thường xuyên không đủ tiền ăn lấy đâu tiền chữa trị cho em. Trong một lần đưa em đi ấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng ở thành phố Hồ Chí Minh, gia đình may mắn gặp được nhà báo ở báo Tuổi Trẻ viết bài về em, các nhà hảo tâm đã giúp em thoát khỏi khiếm khuyết này sau bốn lần phẩu thuật. Cái đốt xương sống bị thừa gây cho em không ít khó khăn. Cha mẹ  em chật vật lắm mới mua được cái áo chỉnh hình mười tám triệu đồng cho em mặc để tránh cột sống bị cong. Nhiều khi em mặc áo, do bị bít kín nên da rộp lên gây ngứa rát rất khó chịu. Mẹ em bảo, “Mỗi lần cởi áo ra nhìn thấy lưng và vai con bé đỏ tấy lên tôi thương con đứt ruột mà không có cách nào khác đành phải chịu thôi. Vậy mà con bé không khóc một tiếng nào cả, nhiều khi khó chịu quá thì xuýt xoa tý xíu rồi lại thôi”.

Em đến trường muộn hơn các bạn cùng trang lứa một năm vì sức khỏe yếu . Vậy mà lực học của em thì chẳng yếu tý nào. Hàng ngày em dậy sớm từ lúc 5 giờ để học bài và làm bài. Buổi sáng đến trường, buổi chiều về trông nhà giúp bố mẹ. Em rất chịu khó học, chỗ nào không hiểu thì hỏi ngay. Sự chăm chỉ chuyên cần đã mang lại cho em một kết quả học tập thật đáng khích lệ mà nhiều học sinh bình thường khác mong muốn. Tôi hỏi em “ Sau này lớn lên Sơ Va sẽ làm gì?”

– Em sẽ làm cô giáo giống như cô bây giờ- Sơ Va nhanh nhảu trả lời.  Nghe em nói, trong lòng tôi vui vui và cảm thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa, tôi tự hào về nghề dạy học.

Và một buổi chiều, trên con đường đất bazan ngoằn ngoèo qua mấy ngọn đồi tôi cũng đến được khu vườn nhà em. Trong vườn  chưa trồng gì nhiều, vài vạt nương vừa mới phát, mùi lá khô ngai ngái. Mẹ em, người phụ nữ nhỏ nhắn khuôn mặt khắc khổ, cười vui vẻ “ Cô giáo, mời cô vô nhà”.

Vừa bước vào ngõ đã nghe tiếng líu lo quen thuộc Em đang chơi trò chơi “Dạy học”. Học trò của em là hai con búp bê đã cũ. Một mình em vừa làm cô giáo vừa đóng vai hai trò búp bê. Thấy tôi vào “Cô giáo” bỏ lớp ùa ra đón tôi. Em cầm lấy tay tôi lắc lắc. “ Cô giáo đi đường có mệt không,Tôi cảm động đến nghẹn lời. Ở em toát lên một nghị lực, một sự hồn nhiên trong sáng lạ kì. Từ đáy lòng tôi mong em đạt được ước mơ của mình “ Ước mơ làm cô giáo”

Nguyệt hoàng